Theo kết quả mà Counterpoint Research công bố, kết thúc năm 2019 thị trường chứng kiến sự áp đảo hoàn toàn của Apple lên các dòng Android cao cấp. Cục diện "một iPhone ‘cân' cả thế giới" khiến các hãng Android phải đau đầu, rõ ràng không có cơ hội nếu đối mặt trực diện với iPhone.
Vậy làm thế nào để xây dựng chỗ đứng cho dòng điện thoại cao cấp? Câu trả lời là một pháo đài đủ vững chắc để vô hiệu hóa Apple, đủ khác biệt để giữ chân người dùng. Trong các hãng Android hiện nay, chỉ có hai công ty có đủ tiềm lực để hiện thực hóa chuyện đó, xây dựng một pháo đài mà iPhone không thể vượt qua.
Samsung - đi trước nhờ công nghệ màn hình gập
Trong quá khứ, Samsung đã từng tạo ra sự khác biệt mà iPhone không có để níu giữ người dùng. Đó chính là dòng Galaxy Note với cây bút Spen. Nếu chỉ đơn thuần phóng to màn hình, ai cũng làm được và chính Samsung cũng không phải là người đầu tiên. Nhưng với Spen, hãng đã tạo ra một trải nghiệm khác lạ với phần còn lại.
Tính năng của Spen có lẽ không cần phải kể lại nữa, khi mà nhiều người dùng Samsung đã quá quen với nó. Các hãng điện thoại khác không thể tạo ra thứ tương tự. Bằng dòng Note, Samsung lần đầu tạo ra được một vũ khí riêng hữu hiệu để củng cố lòng trung thành người dùng, gần giống hệ sinh thái iOS bên iPhone vậy.
Nhưng theo thời gian, có lẽ người dùng Samsung và chúng ta đều nhận ra hãng đã chạm tới giới hạn. Dòng Note không còn được cải tiến nhiều về Spen nữa, còn dòng S thì lại cải tiến ngày càng gần với Note. Sự khác biệt giữa hai dòng nhỏ dần, và flagship của các hãng Trung Quốc thì càng ngày càng phát triển. Đã đến lúc họ phải làm gì đó, phải tạo ra sự khác biệt một lần nữa.
Với việc vén màn lần lượt Galaxy Fold và Z Flip, và nhiều khả năng sẽ tung ra thêm một thiết bị màn hình gập nữa vào cuối năm nay, Samsung đang dần thể hiện rõ chiến lược của họ. Tiếp tục né tránh đối đầu trực diện với iPhone - một chiếc smartphone căn bản giống Galaxy S - nhưng đặt cược vào công nghệ màn hình gập.
Giống như Spen nhưng ở một cấp độ phức tạp và tiên tiến hơn, màn hình gập có nhiệm vụ xây dựng cho Samsung một trải nghiệm di động an toàn như một pháo đài, đủ sức giữ chân khách hàng ở trong kể cả khi họ đã có sẵn cho mình một chiếc iPhone. Đây là một canh bạc với Samsung bởi công nghệ này vẫn còn sơ khai, nhưng khi thiết lập được phân khúc điện thoại màn hình gập vững chắc, họ không còn phải lo cạnh tranh với Apple cũng như đe dọa từ các đối thủ Trung Quốc nữa.
Bởi so với phần còn lại, Samsung Electronics đã có sẵn một lợi thế - Samsung Display. Khi đã có trong tay hãng màn hình OLED di động lớn nhất, Samsung Electronics có thể đảm bảo nguồn cung ổn định cho chính mình trước. Bất kỳ đối thủ nào muốn thách thức điện thoại màn hình gập của Samsung đều phải giải bài toán về nguồn cung, và rõ ràng hiện tại không có đơn vị nào qua mặt được Samsung Display khoản này.
Chỉ cần đảm bảo Samsung Electronics nhận được lượng màn hình gập nhiều hơn, Samsung Display đã vô tình "khóa trái" mọi cơ hội cạnh tranh của bất kỳ đối thủ nào. Ở chiều ngược lại, khi Apple hay các hãng Trung Quốc mua màn hình từ Samsung Display, người được lợi vẫn là Samsung sau cùng. Đây rõ ràng là một cuộc chơi không công bằng ngay từ đầu: linh kiện quan trọng nhất lại bị khống chế bởi chính Samsung.
Sony - dựa vào dải thiết bị chuyên nghiệp sẵn có
Tập đoàn Nhật Bản đã sớm thừa nhận họ không thể cạnh tranh lại với Apple và Samsung ở thị trường smartphone. Do vậy, để giảm thiểu rủi ro cạnh tranh từ các đối thủ xuống mức thấp nhất, gồm cả hai ông lớn ở trên, hãng đã chọn cho mình một phân khúc rất nhỏ, một thị trường ngách mà chưa có hãng smartphone nào dấn thân. Và ở đây, vô tình Sony lại có ưu thế hơn bất kỳ ai.
Đó chính là thị trường chuyên nghiệp, nơi người ta mua điện thoại để ưu tiên hoàn thành công việc lên trên hết. Cụ thể, phân khúc mà Sony nhắm đến là các đài truyền hình, nhà quay phim, đơn vị sáng tạo nội dung,... Trong khi Samsung Electronics dựa vào công nghệ màn hình gập của Samsung Display, Sony lại đặt Xperia vào bàn tay của bộ phận giàu kinh nghiệm phát triển thiết bị chuyên dụng, giải pháp làm việc cho các nhà sáng tạo.
Kết quả là gì? Dòng Xperia 1 được sử dụng như một đạo cụ trên phim trường của Sony Pictures. Đóng vai trò như một như một màn hình giám sát video cá nhân để kiểm tra độ hoàn thiện của hình ảnh, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí. Bạn cũng thấy Sony quảng cáo có thể dùng Xperia 1 (Mark 2) như màn hình Live View của máy ảnh.
Và đến vừa rồi, ý đồ của Sony lộ rõ hơn bao giờ hết khi công bố Xperia Pro (tên tạm gọi). Một chiếc smartphone chuyên dùng cho việc thu phát tín hiệu 5G, hỗ trợ các máy quay truyền hình 4K gửi tín hiệu từ sân vận động lên phòng sản xuất video. Điểm đặc biệt là sản phẩm có cổng HDMI input để nhận tín hiệu video từ máy quay. Thiết kế phần vỏ ngoài tối ưu cho giao tiếp sóng 5G cũng như một hệ thống tản nhiệt hiệu quả, đảm bảo hiệu suất khi phải phát sóng 5G liên tục.
Rõ ràng trên thị trường hiện nay, không có chiếc smartphone nào đi theo hướng như Sony đang làm, nên họ không phải lo có đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, giống như Samsung Electronics có Samsung Display làm chỗ dựa, điện thoại chuyên nghiệp Sony cũng có người đỡ đầu rất quyền lực.
Đó là Thiết bị Hình ảnh & Giải pháp, bộ phận đứng sau máy ảnh Alpha, máy quay XDCAM và CineAlta, máy chiếu gia đình và rạp phim, màn hình tham chiếu TRIMASTER, hệ thống CLEDIS và còn rất nhiều đồ dùng chuyên nghiệp khác. Việc Sony cần làm là tùy chỉnh lại Xperia Pro cho phù hợp với quy trình làm việc của khách hàng, rồi bán nó như một công cụ hoặc một phần trong giải pháp tổng thể, giống các thiết bị kia.
Tạm Kết
Cạnh tranh với iPhone là nhiệm vụ của những dòng sản phẩm như Galaxy S hay Xperia 1, nhưng chúng sẽ không thành công. Cách tốt nhất để bán được điện thoại đắt tiền không kém iPhone hoặc hơn, là tìm kiếm thị trường ngách mà một chiếc smartphone cơ bản như iPhone ít cơ hội hoặc không thể cạnh tranh lại. Quy mô có thể không lớn, doanh số có thể không cao, nhưng áp lực cạnh tranh giảm và an toàn hơn nhiều.
Với Samsung, họ chọn điện thoại màn hình gập, còn Sony, họ chọn điện thoại hướng đến đối tượng chuyên nghiệp. Cả hai có điểm chung là khi khai phá phân khúc rất hẹp và mới này, đã có sẵn nguồn sức mạnh nội tại làm nền tảng. Thế mạnh sẵn có từ Samsung Display và bộ phận Thiết bị Hình ảnh & Giải pháp của Sony giúp điện thoại của họ làm chủ sân chơi.
Về mức giá, Samsung và Sony không cần quá lo lắng vì nếu bán một chiếc smartphone cơ bản thuộc dòng Galaxy S hay Xperia 1, rõ ràng khó thuyết phục khi iPhone nắm lợi thế của hệ sinh thái iOS. Nhưng ở cuộc chơi mới, họ đã có khác biệt về trải nghiệm và thiết kế của màn hình gập, đã có kinh nghiệm phát triển các công cụ làm việc chuyên môn cao, đủ sức để vô hiệu hóa đối thủ và khiến khách hàng chi tiền.
Galaxy Fold có mức giá khoảng 2.000 USD còn Z Flip là 1.500 USD, nhưng chúng liên tục cháy hàng vì người mua đã xác định tìm kiếm thứ mà Apple chưa cung cấp. Còn với Xperia Pro, mặc dù chưa công bố chính thức nhưng dù giá cao cũng không thành vấn đề với đối tượng mà nó hướng đến. Vốn dĩ những thiết bị mà Sony đang bán cũng đã có giá quá tầm với người dùng phổ thông, ví dụ chiếc thẻ nhớ dưới đây:
Ambitious Man - VNreview