Mất bao lâu để lõi Trái Đất nguội đi và điều khủng khiếp gì sẽ xảy ra sau đó?

  • Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020


  • Mặc dù đây là điều khó có thể xảy ra nhưng nếu bạn là người tò mò với mọi câu hỏi thì việc tìm câu trả lời vẫn sẽ khiến bạn thích thú.

    Lõi Trái Đất là nguồn cung cấp nhiên liệu cho núi lửa hoạt động và thải ra khí cabonic, là nguyên nhân gây ra sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo khiến cho những thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa, cháy rừng...

    Nếu vậy thì việc lõi Trái Đất nguội lạnh đi liệu có giúp cuộc sống của con người nói riêng và tất cả các sinh vật sống trên Trái Đất nói chung có một cuộc sống tốt hơn chăng? Hãy cùng đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này!

    1. Lõi Trái Đất là gì?

    Đầu tiên chúng ta cần có những hiểu biết nhất định về lõi Trái Đất, đây là phần hình cầu nằm trong cùng của Trái Đất với bán kính khoảng 1.220 km. Đây là một quả cầu dạng rắn của hợp kim sắt - niken chiếm đa số có nhiệt độ xấp xỉ bề mặt Mặt Trời (khoảng 6.000 độ C).

    Kể từ khi được hình thành, lớp lõi này đã giảm nhiệt độ nhưng nó nguội đi rất chậm, với tốc độ nguội đi là 100 độ C mỗi tỷ năm! Có thể làm một phép tính nhanh, để Trái Đất nguội đi từ nhiệt độ 6.000 độ C hiện nay thì sẽ cần tới 60 tỷ năm.

    Trong khi đó, Mặt Trời của chúng ta mới tồn tại khoảng 4,5 tỷ năm và các nhà khoa học của NASA ước tính đây đã là một nửa vòng đời của nó dựa vào tuổi thọ của những ngôi sao có kích thước trung bình như Mặt Trời của chúng ta (chúng tồn tại từ 9 đến 10 tỷ năm).

    Như vậy có lẽ Trái Đất của chúng ta và tất nhiên là cả sự sống đã biến mất (vì Mặt Trời chết) trước khi lõi nhân của hành tinh này kịp nguội lạnh từ rất lâu rồi. Đó cũng chính là lý do mà kịch bản lõi Trái Đất lạnh đi là một giả thuyết không thể xảy ra.

    Mặc dù vậy đứng trên phương diện khoa học, chúng ta vẫn có thể đặt ra những câu hỏi hay giả thuyết cho bất cứ trường hợp nào. Như đã biết, lõi Trái Đất nằm rất sâu bên trong lòng đất (và khoa học hiện nay vẫn chưa "chạm" tới được lớp lõi này!

    Lấy bán kinh Trái Đất trừ đi bán kính lõi nhân bên trong sẽ được khoảng cách từ mặt đất tới lớp nhân này. Ảnh: Pearson Prentice Hall

    Hãy tưởng tượng bạn có thể đi xuyên lòng đất bằng một chiếc máy đào bới như trong truyện tranh Doraemon thì quãng đường mà bạn phải đi sẽ là là 5.100 km để chạm tới phần rìa của lớp lõi trong cùng (tương đương khoảng cách từ Việt Nam đến Úc tính theo đường chim bay).

    Thực tế, một trong những hố sâu nhất mà con người từng đào vào sâu lòng đất mới chỉ mới hơn 12 km (hố Kola do Liên Xô cũ khoan vào năm 1970) vì lớp đất đá cứng cũng như nhiệt độ bên dưới lòng đất càng nóng khi đào sâu gây khó khăn cho con người.

    Cụ thể, khi đào đến độ sâu 12 km thì nhiệt độ bên dưới đã là 180 độ C và nếu tiếp tục đào đến độ sâu 15 km như dự tính ban đầu của các nhà khoa học thì nhiệt độ có thể sẽ lên tới 300 độ C và khi đó mọi thiết bị khoan sẽ bị phá hủy, do đó đến năm 1992 thì việc khoan sâu đã dừng lại.

    Việc nghiên cứu lớp lõi Trái Đất và những gì mà chúng ta biết về nó cho đến ngày nay vẫn phải thông qua những cách gián tiếp (như sử dụng các ghi nhận sóng địa chấn phát sinh động đất hay ước tính thông qua các ràng buộc thực nghiệm và lý thuyết về nhiệt độ nóng chảy của sắt).

    2. Điều gì xảy ra khi lõi Trái Đất nguội lạnh và ngừng quay?

    Có thể thấy lớp lõi này nằm ở rất rất sâu bên trong lòng Trái Đất, vậy nếu như nó nguội đi thì cũng không ảnh hướng đến lớp vỏ nằm cách xa hơn 5.000 km?

    Trái lại, lớp lõi tưởng chừng chẳng có liên quan gì với lớp vỏ bên ngoài - nơi sự sống sinh sôi nảy nở và phát triển lại có ý nghĩa sống còn đối với Trái Đất.

    Thứ nhất, lớp lõi Trái Đất chính là nguồn năng lượng cho quá trình vận động bên trong của Trái Đất (nội năng) và tạo ra nguồn đất giàu dinh dưỡng, màu mỡ cho sự phát triển của sự sống ngoài lớp vỏ của Trái Đất lẫn nông nghiệp.

    Hơn nữa nguồn năng lượng địa nhiệt cũng là nguồn năng lượng được con người khai thác tối đa, chính sự phun trào của núi lửa con cung cấp cho con người nguồn khoáng sản (thiếc, bạc, vàng, đồng và thậm chí kim cương) cũng hiện diện trong đá núi lửa.

    Khi lõi Trái Đất nguội lạnh, sẽ chẳng còn những thiên tai đáng sợ như núi lửa phun trào, sóng thần hay động đất, cháy rừng... Thế nhưng điều đó cũng có nghĩa là một thiên tai còn đáng sợ hơn rất nhiều, đó là ngày tận thế cho Trái Đất.
    Theo tiến sĩ Sten Odenwald - một nhà thiên văn học, tác giả và nhà giáo dục khoa học của NASA thì khi lớp lõi Trái Đất dừng chuyển động hoàn toàn thì Trái Đất sẽ không còn quay một vòng quanh Mặt Trời hết 365 ngày nữa mà thời gian này sẽ ít hơn rất nhiều.
    Không những thế thời gian ngày đêm cũng sẽ không còn luân phiên mà thay vào đó chúng ta sẽ có 1/2 năm là đêm và 1/2 năm là ngày (điều này cũng giống như Mặt Trăng, mỗi một mặt cứ 2 tuần được chiếu sáng Mặt Trời thì 2 tuần lại chìm trong bóng tối).

    Vành đai Allen. Ảnh: Phys.org

    Trong 6 tháng chìm trong màn đêm, nhiệt độ bề mặt của nửa tối này sẽ phụ thuộc vào vĩ độ của bạn và quỹ đạo gió cũng sẽ hoàn toàn thay đổi (di chuyển từ xích đạo về hai cực thay vì di chuyển song song với xích đạo như ngày nay).

    Thứ hai, chính lớp lõi gồm sắt và niken có từ trường chuyển động thành dòng đã tạo nên lớp từ quyển đóng vai trò như lớp áo giáp giúp bảo vệ Trái Đất trước những cơn bão điện từ của Mặt Trời và khi lõi này nguội lạnh, lớp từ trường cũng biến mất.

    Sẽ không còn Vành đai bức xạ Van Allen (đây là khu vực tập trung mật độ cao các hạt điện tử, proton xuất phát từ Mặt Trời và bị từ trường Trái Đất giữ lại) và tất nhiên chúng ta cũng sẽ chẳng còn được chiêm ngưỡng hiện tượng cực quang kỳ vĩ.

    Lúc này Trái Đất chẳng khác nào sao Hỏa vì mất đi bầu khí quyển và để mặc cho những cơn bão điện tích tới từ Mặt Trời, thiên thạch và những mối nguy hiểm từ không gian như các hạt (tia) vũ trụ hay các tiểu hành tinh tấn công.

    Bề mặt Trái Đất lúc này sẽ bị tàn phá đến mức cây cối hay sự sống không thể tồn tại, nguồn nước bị hơi nóng làm bốc hơi và đi vào vũ trụ do không có bầu khí quyển giữ lại. Kết quả Trái Đất chỉ còn là một hành tinh chết!

    Bài viết tham khảo các nguồn: NASA, Theconversation, Sciencefocus, Scienceabc